Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Docker là gì?

Docker

Docker là một nền tảng mở dành cho các lập trình viên, quản trị hệ thống dùng để xây dựng, vận chuyển và chạy các ứng dụng phân tán. Ban đầu viết bằng Python, hiện tại đã chuyển sang Go-lang. Điểm khác biệt chính là các containers sử dụng chung kernel với Host OS nên các thao tác bật, tắt rất nhẹ nhàng, nhanh chóng.


Gần đây Docker đang được thảo luận và gây được nhiều chú ý trong cộng đồng công nghệ trên thế giới, với nhiều hứa hẹn trong tương lai. Các hãng công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft, IBM … đã bắt đầu hỗ trợ Docker trên nền tảng của họ.

Các thành phần chính:


- Docker Engine : là thành phần chính của Docker, như một công cụ để đóng gói ứng dụng
- Docker Hub : là dịch vụ cloud để chia sẻ ứng dụng và tự động hóa chuỗi các công việc liên tục, có thể thao tác pull/push với các images

Một số khái niệm


- Docker images : là một “read-only template”. Chẳng hạn, một image chứa hệ điều hành Ubuntu đã cài đặt sẵn Apache và ứng dụng web

- Docker registries : Là kho chứa images. Người dùng có thể tạo ra các images của mình và tải lên đây hoặc tải về các images được chia sẻ

- Docker container : hoạt động giống như một thư mục (directory), chứa tất cả những thứ cần thiết để một ứng dụng có thể chạy được. Mỗi một docker container được tạo ra từ một docker image. Các thao tác với một container : chạy, bật, dừng, di chuyển, và xóa

- Dockerfile : là một file chứa tập hợp các lệnh để Docker có thể đọc và thực hiện để đóng gói một image theo yêu cầu người dùng

- Orchestration : là các công cụ, dịch vụ dùng để điều phối và quản lý nhiều containers sao cho chúng làm việc hiệu quả nhất

So sánh Docker với Virtual machine



Điểm khác biệt chính là các containers sử dụng chung kernel với Host OS nên các thao tác bật, tắt rất nhẹ nhàng, nhanh chóng.

. Ưu điểm : nhanh, nhẹ, có thể chia sẻ dễ dàng qua DockerHub
. Nhược điểm : mới, cập nhật thay đổi thường xuyên

Cài đặt

Việc cài đặt khá đơn giản, tùy theo OS sẽ có cách cài đặt khác nhau, tham khảo thêm tại https://docs.docker.com/engine/installation/


Tôi đã dùng Docker như thế nào?


Đứng ở phương diện của một Developer, chúng ta có thể sử dụng Docker và Vagrant để thiết lập môi trường ảo cho một dự án nào đó, mà không cần tốn quá nhiều công sức cài đặt hoặc làm ảnh hưởng tới máy tính hiện tại. Làm thế nào để tạo môi trường ảo, và vì sao phải làm như vậy? Xin mời các bạn tham khảo câu chuyện sau:

Chuyện kể rằng...


Buổi sáng hôm đó, trời nắng đẹp và se lạnh. Sau khi đánh một giấc đã đời trên xe bus, chàng developer cần mẫn lếch xác vào công ty, việc đầu tiên anh làm là mở máy tính lên và đọc báo, lướt facebook, github,...

Tình cờ trông thấy ông @huydx vừa tạo một project mới trên github (cái này https://github.com/huydx/scalresume)

Tò mò vào xem thử, hoá ra lão ấy viết bằng Scala. Tính bỏ qua rồi nhưng cũng muốn contribute chút gì đó cho cái project.

Thấy README.md của lão viết sơ sài quá, nảy ra ý định add thêm vài dòng hướng dẫn và screenshot cho nó hấp dẫn (đây cũng là cách để trở thành một contributor nhiệt tình trên Github, các bạn chú ý nhá).

Nhưng hồi nào giờ có làm Scala đâu, chả lẽ vì cái project bé tí này, mà phải ngồi cài một đống tool vào máy, nào là Java, nào là Scala, SBT,... để build và chụp cho được cái screenshot sao. Chưa kể có một đống dự án của công ty, chưa hoàn thành, ở trong máy, nếu rủi cài vài rồi hư máy thì biết ăn nói làm sao với sếp.

Giải pháp


Thế là nghĩ ngay đến chuyện dùng Docker.

Đại khái là sẽ làm thế này:

  • Dùng docker tạo một container chứa toàn bộ môi trường develop cần thiết cho Scala
  • Get project về và build, chạy thử
  • Chụp hình add vào README.md
  • Tạo pull request để đóng góp cho cái project này
  • Nghiễm nhiên trở thành contributor dù ko biết chút gì về Scala

Một số developer thường tạo sẵn các môi trường này, và upload lên mạng để mọi người lấy về dùng, và mấy cái này gọi là các Images


Cách làm như sau


Bước 1: Tìm và tải image Docker cho Scala


Đầu tiên chúng ta cần tìm một image chạy Scala cho Docker. Bước này thì dễ thôi, có thể search trên Google với từ khoá:

Docker image for Scala

Yeah, rất nhiều images, chọn đại cái kết quả đầu tiên trên Docker Hub: https://hub.docker.com/r/lukasz/docker-scala/

Docker Hub là nơi để mọi người upload, chia sẽ các images Docker của mình

Sau khi tìm ra image rồi, chúng ta tiến hành download nó về, bước này gọi là Pull, chúng ta gõ lệnh sau:

docker pull lukasz/docker-scala

Với lukasz/docker-scala là tên của image. Tên này gồm 2 phần, phần đầu trước dấu xoẹt /, lukasz là tên thằng tác giả, và phần sau docker-scala là tên của image.

Dung lượng của image này hơi lớn một tí (1GB) nên có thể pull hơi lâu, các bạn có thể sử dụng mạng của công ty để quá trình pulling diễn ra nhanh hơn

Sau khi pull xong, các bạn có thể dùng lệnh sau để xem danh sách các images được pull về sẵn trong máy:

docker images

Kết quả trả về như sau:

REPOSITORY CREATED VIRTUAL SIZE
ubuntu 91e54dfb1179 6 weeks ago 188.4 MB
lukasz/docker-scala   latest 90b5825bae47 20 months ago 1.217 GB

Như kết quả trên thì trong máy mình đang có 2 images: ubuntu lukasz/docker-scala

Các images này các bạn chỉ cần tải về 1 lần và để đó dùng lại cho các lần sau được. Nên yên tâm về cái khoản chờ đợi. Trừ khi bạn buồn tình xoá chúng đi

Bước 2: Lấy code từ Github về

Trước khi tạo môi trường ảo để chạy, chúng ta sẽ lấy code từ Github về trước. Ví dụ mình lấy code về và lưu ở thư mục /Users/huy/Code

git clone https://github.com/huydx/scalresume.git /Users/huy/Code

Bước 3: Tạo môi trường ảo Scala liên kết với thư mục Code

Bây giờ chúng ta sẽ tạo một môi trường ảo, còn gọi là một container sử dụng image Scala vừa pull về ở bước trên.

Container này liên kết với thư mục code hiện tại của chúng ta, và như thế chúng ta sẽ truy cập được vào thư mục code từ bên trong container.

Gõ lệnh sau:

docker run -v /Users/huy/Code:/src -it lukasz/docker-scala /bin/bash

Ý nghĩa của câu lệnh trên:

  • Lệnh docker run : tạo một container cho Docker
  • Tham số -v /Users/huy/Code:/src: để liên kết thư mục /Users/huy/Code ở máy tính hiện tại, vào thư mục /src của container.
  • Tham số -it lukasz/docker-scala /bin/bash: Để chỉ định images cần tạo là lukasz/docker-scala và tự động chạy lệnh /bin/bash sau khi khởi tạo xong, nhờ đó chúng ta sẽ truy cập được vào chế độ dòng lệnh của container và quản lý nó giống như một máy tính thông thường.

Bước 4: Sử dụng container để build và chạy code


Sau khi chạy lệnh run thì cửa sổ terminal của chúng ta thay đổi thành như thế này:

root@4cc671941ee3:/# 

Lúc này, bạn đã truy cập vào bên trong container docker-scala.

Thử gõ lệnh ls để liệt kê các thư mục hiện có:

ls

Kết quả:

root@4cc671941ee3:/# ls
bin  boot  dev  etc  home  lib  lib64  media  mnt  opt  proc  root  run  sbin  selinux  src  srv  sys  tmp  usr  var
root@4cc671941ee3:/#

Giống y chang một máy tính Linux! Giờ chúng ta thử kiểm tra môi trường hiện tại xem, gõ lệnh:

scala

Kết quả trên màn hình:

root@4cc671941ee3:/# scala
Welcome to Scala version 2.10.3 (Java HotSpot(TM) 64-Bit Server VM, Java 1.7.0_51).
Type in expressions to have them evaluated.
Type :help for more information.

scala>

Như vậy, chúng ta hiện đang có Scala phiên bản 2.10.3 chạy trên nền Java 1.7.0_51

Bây giờ chúng ta có thể build và chạy thử ứng dụng Scala vừa lấy về từ Github và tiến hành Contribute cho nó. Để thoát ra khỏi môi trường ảo hiện tại, bạn chỉ cần gõ lệnh: exit


Tổng hợp các lệnh Docker:


Pull một image từ Docker Hub

docker pull <image name>

Tạo một container từ image có sẵn

docker run -v <thư mục trên máy tính>:<thư mục trong container> -it <image name> /bin/bash

Lệnh trên tạo container, liên kết một thư mục trên máy tính vào bên trong container, và truy cập vào chế độ dòng lệnh của container đó.

Đối với các ứng dụng như web, container sẽ tạo một web server trên một cổng nào đó, khi đó chúng ta cần phải map cổng đó từ container ra máy tính ngoài, khi đó chúng ta dùng thêm tham số -p như sau:

docker run -v /abc:/abc -p 80:80 -it ubuntu /bin/bash

Lệnh trên map cổng 80 của container ra cổng 80 của máy tính hiện tại.

Ngoài ra, Còn một số lệnh khác mà các bạn có thể dùng để quản lý Docker của mình:

Liệt kê các images hiện có

docker images

Trong kết quả trả về của lệnh này, chúng ta lưu ý các thông số:

TAG: là tên của image, ví dụ lukasz/docker-scala
IMAGE ID: là ID của image lưu trong hệ thống, ví dụ 91e54dfb1179

Liệt kê các container đang chạy

docker ps

Trong kết quả của lệnh này cũng có các thông số chúng ta cần lưu ý, đó là:

CONTAINER ID: Là ID của container đó, ví dụ 4cc671941ee3
NAME: Là tên riêng của container, được tạo ra một cách ngẫu nhiên hoặc có thể tự đặt, ví dụ stupefied_blackwell


Liệt kê toàn bộ các container đang chạy và đã tắt

Sau khi các bạn thoát khỏi container, nếu nó không còn chạy bất cứ một tiến trình nào nữa, thì nó sẽ tự động tắt, nhưng chưa hoàn toàn bị xoá, khi đó chạy lệnh docker ps sẽ ko thấy được. Để xem lại nó thì chúng ta dùng lệnh sau.

docker ps -a

Khởi động và truy cập lại vào một container đã tắt

Nếu một container đã tắt (không xuất hiện khi dùng lệnh docker ps nữa, chúng ta có thể chạy lệnh docker ps -a để lấy ID hoặc NAME của nó, sau đó dùng lệnh sau để khởi động và truy cập lại vào đó)

docker start <ID hoặc NAME>
docker exec -it <ID hoặc NAME> /bin/bash

Xoá một container
Nếu một container đã hết giá trị lợi dụng, dù nó đã tắt nhưng nó vẫn chiếm một phần dung lượng trên máy tính, để xoá nó đi, chúng ta dùng lệnh rm

docker rm <ID hoặc NAME>
Nếu container đang chạy, bạn cũng có thể xoá nhưng phải thêm tham số -f vào sau rm để force remove:

docker rm -f <ID hoặc NAME>

Xoá một image

Cũng như container, nếu bạn đã ko còn nhu cầu sử dụng một image nào đó nữa, thì nên xoá nó đi, vì dung lượng nó khá là nặng, để lại chật máy. Dùng lệnh rmi (tức là remove image đó)

docker rmi <ID hoặc NAME>

hoặc

docker rmi -f <ID hoặc NAME>


Trên đây là một số thao tác sử dụng Docker đơn giản, đủ xài đối với 1 developer với mục đích sử dụng Docker làm công cụ tạo môi trường ảo.

Với các mục đích sử dụng khác, các bạn nên tìm hiểu kĩ hơn về Docker từ https://docs.docker.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét